Ươm mầm trí tuệ

Vì sao giáo dục STEM là một phương án cho bài toán thay đổi của giáo dục Việt Nam

gày 27/12 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến sẽ đi vào thực tiễn từ năm học 2020-2021. Với rất nhiều thay đổi được đề xuất, từ số môn học, tiết học cho đến những đổi mới trong phương pháp dạy học và đánh giá kết quả, những thầy cô và phụ huynh quan tâm có thể sẽ phần nào thấy choáng ngợp.

Tất nhiên, sự thay đổi nào cũng sẽ mang lại những cơ hội và thách thức. Cơ hội cho thế hệ học sinh tương lai được học tập trong một môi trường mới với những trải nghiệm ý nghĩa và thực tế. Và là thách thức cho những người làm chính sách giáo dục phải thay đổi cách suy nghĩ, đặt mục tiêu dài hạn của nền giáo dục lên trên những lợi ích ngắn hạn.

Đây cũng là cơ hội để các phương pháp giáo dục tiên tiến của thế giới, trong đó có giáo dục STEM, tiếp cận với công chúng số đông, thay vì chỉ với một nhóm nhỏ các trường quốc tế, tư thục như hiện nay. Trong bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp độc giả hiểu thêm vì sao giáo dục STEM (có thể) là một phần quan trọng cho những mục tiêu thay đổi của giáo dục Việt Nam.  

 

Viễn cảnh tích cực của nền Giáo dục Việt Nam

Chúng ta vẫn luôn thấy những yếu điểm còn tồn tại trong hệ thống giáo dục Việt Nam lâu nay. Đầu tiên, việc kiến thức vừa là chất liệu, đầu vào, vừa là kết quả, đầu ra của quá trình giáo dục dẫn đến học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều, nhưng khả năng vận dụng vào đời sống lại rất hạn chế. Thêm vào đó là sự quá tải đến từ nội dung còn nặng lý thuyết, chưa thiết thực; phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình; thời lượng học nhiều khi chưa tương thích với nội dung.

Những thách thức mang tính thời đại buộc các nhà giáo dục phải đưa ra thay đổi mang tính tổng thể và có hệ thống. Và chúng ta đã thấy được sự quyết tâm này qua những đề xuất về chương trình giáo dục mới. Sự nhất quán trong nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả được biểu hiện qua các biện pháp giảm tải:  

Những thay đổi trong chương trình giáo dục mới (theo Bộ GD&ĐT)

Theo đó, với cách tiếp cận mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học. Đây là một bước tiến của những nhà giáo dục trong việc xác định những mục tiêu cho sự phát triển của thế hệ tương lai.

 

Giáo dục STEM - Lời giải cho bài toán đổi mới

"Thay vì những bài thi quyết định kết quả học tập của một cá nhân, giáo dục STEM đánh giá sự tiến bộ của nhóm theo một quá trình."

Đề án giáo dục mới của Bộ hàm chứa một tham vọng lớn, nhằm thay đổi cục bộ cách chúng ta tư duy, phát triển và tiến hành các hoạt động giáo dục. Mục tiêu là đó, nhưng việc xây dựng một hệ thống giáo dục mới cần sự đầu tư kỹ càng về thời gian và nguồn lực.

May mắn thay, chúng ta có thể nhìn vào nền giáo dục của những nước bạn tiên tiến để học hỏi. Một trong những mô hình tiêu biểu là giáo dục STEM, bắt nguồn từ nước Mỹ.

“Nhưng khoan đã, chẳng phải STEM là tổng hợp của các môn Khoa học, Kỹ thuật, Công Nghệ và Toán thôi sao? Làm sao nó có thể thay thế cho toàn bộ các môn học khác được? Thế còn Lịch sử, Địa lý thì sao?” Phụ huynh đúng khi đặt ra những câu hỏi, nhưng khác với những gì chúng ta thường nghĩ, giáo dục STEM không chỉ dừng lại ở bốn môn học.   

Mục tiêu đầu tiên của giáo dục STEM là đưa trải nghiệm sáng tạo vào trong quá trình học tập. Học sinh được học trên cơ sở dự án, được giao nhiệm vụ theo từng dự án, từ đó phát huy tối đa khả năng tư duy sáng tạo và ứng dụng các kiến thức khoa học vào cuộc sống. Bên cạnh kiến thức khoa học, học sinh cũng được thấm dần các thói quen tư duy, nhìn nhận và đánh giá hiện tượng, sự kiện một cách logic.

Mục tiêu thứ hai của giáo dục STEM là đem lại sự hứng thú trong học tập. Nhiệm vụ giao cho học sinh phải đủ hấp dẫn để kích thích trí sáng tạo và tò mò. Để đạt được điều này, ngoài thiết kế bài giảng thì người giáo viên STEM cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp duy trì sự hứng thú học tập của học sinh trong quá trình học tập. Vì vậy, cách thức truyền tải kiến thức và hướng dẫn học sinh trên lớp của giáo viên phải được đào tạo thật bài bản.

Những trải nghiệm học tập tích cực tạo nên môi trường học tập tích cực

Điểm khác biệt tiếp theo của giáo dục STEM là ở trong cách đánh giá năng lực học sinh. Thay vì những bài thi quyết định kết quả học tập của một cá nhân, giáo dục STEM đánh giá sự tiến bộ của nhóm theo một quá trình. Trong đó, học sinh được cọ xát, tranh luận, bảo vệ ý kiến của bản thân cũng như tạo thói quen hợp tác với các thành viên trong nhóm.

Quá trình học được thiết kế theo nhiều giai đoạn, tương ứng với mỗi giai đoạn học sinh đều phải trình bày ý tưởng, thiết kế và sản phẩm cuối cùng của mình. Vào giai đoạn cuối của dự án, các nhóm sẽ có cơ hội trình bày tư duy, ý tưởng và giải pháp.

Qua đó, ta thấy rằng giáo dục STEM thỏa mãn ít nhất 3/5 mục tiêu được đề xuất từ Bộ Giáo dục, gồm mục tiêu về giảm tải kiến thức kinh viện, thay đổi phương pháp dạy học và phương pháp đánh giá học sinh. Với những gì thời sự đề cập đến gần đây, thì việc STEM, hay các phương pháp giáo dục tiên tiến khác được áp dụng vào trường học Việt Nam là tương lai không xa. Cho nên sẽ là thiếu sót nếu các thầy cô và cha mẹ học sinh không chuẩn bị cho mình hiểu biết về phương pháp giáo dục này ngay từ bây giờ.  

 

Những gì chúng ta có thể làm từ hôm nay

Chúng ta đã nói nhiều về những lợi ích mà giáo dục STEM có thể mang lại, nhưng một phương pháp giáo dục chỉ thực sự đem lại kết quả khi nó được liên hệ với những sở thích và quan tâm của học sinh.

"Dù tình trạng của lớp học có phát triển thế nào, thì chúng tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, việc học không nên chỉ dừng ở lý thuyết trong sách vở."

Để thực sự áp dụng và tận dụng những lợi ích của STEM sẽ cần rất nhiều thời gian, công sức từ thầy cô, nhà trường và các nhà chính sách. Mỗi nhà trường sẽ có những khó khăn và hạn chế riêng để đưa STEM vào chương trình học. Kể cả một khi đã được áp dụng rộng rãi, thì vẫn cần những nỗ lực từ thầy cô để xây dựng nội dung bài học gần gũi với học sinh và phù hợp với bối cảnh thực tế ở nước ta.

Dù tình trạng của lớp học có phát triển thế nào, thì chúng tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, việc học không nên chỉ dừng ở lý thuyết trong sách vở. Giống như trong thể thao, bạn có thể chơi cho đội tuyển của trường, nhưng cũng có thể tham gia thêm câu lạc bộ; rồi bạn có thể tham gia trại hè, những sự kiện mang tính chuyên môn, và thậm chí thuê một huấn luyện viên để giúp bạn tập luyện bài bản hơn.

STEM cũng tương tự như vậy. Ngay từ bây giờ, các bố mẹ có thể phát triển ở con sự tò mò, đam mê khám phá khoa học. Hãy đặt những câu hỏi “Vì sao?” về cách hoạt động của những sự vật xung quanh, và cùng con tìm ra câu trả lời. Những thí nghiệm khoa học làm tại nhà mà chúng tôi gợi ý trên đây là một gợi ý bố mẹ có thể tham khảo để những giờ phút vui chơi ở nhà bổ ích và ý nghĩa hơn.

Các chương trình học STEM hay trại hè sẽ cho những trải nghiệm học tập chuyên sâu hơn; với nội dung được xây dựng nhằm tập trung phát triển những kĩ năng cụ thể.

 

Lời cuối

Những sự thay đổi sắp tới của nền giáo dục có thể khiến chúng ta thấy phần nào lúng túng, như một trái cầu tuyết đang lao tới trong lúc chúng ta đang cố tìm ra hướng đi tiếp theo.

Nhưng trên hết, hãy coi những sự thay đổi này là những cơ hội. Và còn gì tốt hơn khi chúng ta có thể chuẩn bị cho con khả năng nắm bắt những cơ hội của tương lai, ngay từ hôm nay?

Nội dung tham khảo từ bài viết "Chọn giáo viên tốt nhất để dạy chương trình phổ thông mới" của VnExpress

Funedu_admin

About:

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…