Ươm mầm trí tuệ

Luyện Tư Duy Sáng Tạo Cho Trẻ Như Thế Nào?

Hầu hết mọi người đều cho rằng, tư duy sáng tạo là năng khiếu trời cho. Tuy nhiên, trên thực tế, sự sáng tạo của trẻ bắt nguồn từ phương pháp tư duy và giải quyết tình huống - yếu tố hoàn toàn có thể đạt được thông qua rèn luyện.

Để rèn luyện tư duy sáng tạo cho trẻ, các bậc cha mẹ có thể áp dụng rất nhiều phương pháp quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày.

1. Rèn luyện tư duy sáng tạo cho bé thông qua nghệ thuật

a, Làm quen với âm nhạc

Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng, âm nhạc, là một trong những công cụ  tốt nhất để rèn luyện tư duy sáng tạo cho trẻ. Qua âm nhạc, trẻ thể hiện cách nhìn nhận thế giới cũng như xác định vị trí của chúng trong thế giới ấy.

Việc cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc và các bộ môn sáng tạo nghệ thuật giúp con giao tiếp tốt và biểu đạt cảm xúc dễ dàng hơn. Rất nhiều trẻ cảm thấy khó khăn trong việc biểu đạt thành lời những cảm xúc như giận dữ, thất vọng, hạnh phúc hay sợ hãi. Tuy nhiên, trẻ có thể dễ dàng biểu lộ những xúc cảm này thông qua âm nhạc.  Việc để con tiếp xúc với âm nhạc thường xuyên sẽ tăng khả năng cảm âm của bé, thúc đẩy các năng lực biểu hiện từ đó kích thích tư duy sáng tạo nghệ thuật và tư duy logic khoa học.

Tùy vào độ tuổi của con, bố mẹ nên có những lựa chọn thể loại âm nhạc phù hợp. Hãy để âm nhạc đi vào cuộc sống của trẻ một cách tự nhiên. Từ đó kĩ năng nghe của bé được cải thiện và phát triển. 

b, Tiếp xúc hội họa

Hoạt động vẽ tranh, cảm thụ màu sắc hình khôi giúp não tiếp nhận và xử lý thông tin hình ảnh nhanh hơn, chính vì vậy, các bậc phụ huynh hãy khuyến khích trẻ học vẽ vì môn học này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng quan sát và tăng tính nhạy cảm đối với cuộc sống.

Cùng với âm nhạc, hội họa giúp con thể hiện ra bên ngoài được những suy nghĩ của mình và cụ thể hóa những quan sát hay trí tưởng tượng của bé về thế giới xung quanh… việc bé thường xuyên tiếp xúc với màu sắc và dùng tay miêu tả những hình khối giúp con nâng cao nhận thức và thúc đẩy các kỹ năng vận động và phát huy trí tưởng tượng… Tất cả những điều này sẽ thúc đẩy não trẻ phát triển, giúp con thông minh hơn.

c, Đóng kịch

Đóng kịch cũng là một trò chơi dễ dàng cuốn hút trẻ và giúp rèn luyện tư duy sáng tạo. Đây là hoạt động giúp tăng tình cảm khăng khít của cả gia đình, từ những vật dụng trong nhà bố mẹ có thể tạo ra những đạo cụ sáng tạo cho con. Trò chơi đóng vai sẽ giúp trẻ tưởng tượng cuộc sống từ một góc độ khác - một yếu tố quan trọng phát triển sự sáng tạo.

Bố mẹ nên để con đưa ra ý kiến và khuyến khích con đưa ra ý tưởng cho những diễn biến tiếp theo của câu chuyện hay vở kịch. Bố mẹ cũng có thể bắt đầu từ một tình huống, rồi cả nhà thay phiên nhau kể nối tiếp các phần để tạo nên một câu chuyện hoàn toàn mới. Khi con đưa ra ý kiến, đừng quên khen ngợi và đề nghị con giải thích tại sao con nghĩ như vậy.

Việc để con tưởng tượng sẽ dần hình thành thói quen suy nghĩ và phản ứng với các tình huống trong cuộc sống, từ đó không gặp lúng túng khi gặp những tình huống thực ngoài đời thường.

2. Rèn luyện tư duy sáng tạo thông qua ngoại ngữ

Ngoài âm nhạc, hội họa, và kịch, còn có một phương pháp nữa giúp con rèn luyện tư duy sáng tạo của mình. Đó là học ngoại ngữ.

a, Tìm hiểu về văn hóa

Ngôn ngữ chính là tinh hoa của các nền văn hóa, ngôn ngữ là sản phẩm của văn hóa, vì vậy học ngoại ngữ không đơn thuần chỉ là học ngôn ngữ mới, mà còn mở cánh cửa dẫn ra một thế giới mới, một không gian rộng lớn hơn hơn rất nhiều so với không gian sống thực tại. Trên thế giới có nhiều nền văn hóa khác nhau, mỗi nền văn hóa lại có những cách tư duy khác nhau, vì thế, để con học một ngôn ngữ mới, sẽ giúp con cởi mở hơn, vốn kiến thức được mở rộng. Làm quen sớm với các nền văn hóa khác nhau, sẽ khiến con dễ dàng tiếp thu cái mới, cái-khác-mình hơn, tự tin đón nhận thử thách hơn khi con trưởng thành.

b, Nâng cao trí tưởng tượng

Chắc hẳn không bố mẹ nào không nhận ra tác dụng của ngoại ngữ đối với sự phát triển của con, tuy nhiên câu hỏi: Nên cho trẻ học ngoại ngữ từ lúc nào và học như thế nào là hợp lý? Rất khó có một câu trả lời thỏa đáng. Việc cho con tiếp xúc với ngoại ngữ từ sớm giúp trẻ nâng cao trí tưởng tượng. Các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ hiện đại thường thường chú trọng sử dụng linh hoạt các công cụ đa phương tiện như nhạc, phim, tranh ảnh, kịch.… và tập trung phát triển khả năng giao tiếp. Đây cũng là những chất liệu nền cho hành vi tư duy sáng tạo.

c, Tăng khả năng phản xạ

Học ngoại ngữ không đơn thuần để giao tiếp, mà ngày nay việc học ngoại ngữ thông qua các môn học khác cũng rất được chú trọng. Học tiếng Anh thông qua học Toán, học sinh học bằng ngôn ngữ Anh… không còn là những khái niệm mới mẻ đối với nhiều người. Phương pháp này, mang lại hiệu quả thực tế rất tốt trong việc phản xạ và tư duy. Học sinh không chỉ phải phản ứng nhanh với các phương diện toán học mà còn phải rèn luyện não bộ ứng biến kịp thời với ngôn ngữ. Học ngoại ngữ thông qua các môn học đang phát huy  tác dụng tích cực của nó đối với việc phát triển tư duy sáng tạo của trẻ. Với phương pháp này, trẻ buộc phải tư duy trực tiếp bằng ngoại ngữ để nắm bắt bài học, giúp tăng tốc độ phản xạ và sự nhạy bén, tăng tính chủ động và năng động cho trẻ.

d, Rèn luyện sự độc lập và tư duy linh hoạt

Cùng với trí tưởng tượng, sự độc lập và linh hoạt là những yếu tố quan trọng tạo nên tư duy sáng tạo. Việc con làm quen, vận dụng và xử lý các tình huống đời thường thông qua cấu trúc ngôn từ và văn hóa nước ngoài sẽ tạo ra những cách tiếp cận và rèn luyện mới cho con.

Hãy trao cho con tình yêu thương, sự kiên nhẫn và áp dụng các phương pháp khoa học đúng mực, các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể thực hiện được điều tưởng chừng vô cùng khó khăn: rèn luyện tư duy sáng tạo cho con yêu, để con vững bước trưởng thành.

Funedu_admin

About:

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…